Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có chính sách quản lý thị trường vàng. Ngày 3/4/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012. Sau 5 tháng thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập.
Chừng nào vấn đề sự ổn định của đồng VNĐ vẫn chưa được khắc phục, vàng vẫn nằm trong dân chúng, vẫn là tài sản chết không thể đi vào nền kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vàng là một hàng hóa đặc biệt: khi sử dụng vào mục đích trang sức là hàng hóa thông thường, khi quốc gia đưa vào dự trữ nó là ngoại tệ đặc biệt.
Các nước khi thiếu ngoại tệ để thanh toán cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống thì sử dụng vàng. Ví dụ Iran bị cấm vận, thiếu ngoại tệ đã dùng vàng để thanh toán. Vì vậy, hàng năm các quốc gia tăng dự trữ ngoại tệ bằng tỷ lệ mua vàng hàng năm.
Thế nào là “vàng hoá”?
Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định là “chống vàng hóa”. Vậy thế nào là vàng hóa? Khái niệm này chỉ xuất hiện khi nào vàng trở thành một phương tiện thanh toán.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi giá vàng trên thế giới biến động tăng cao liên tục và thất thường, trên thực tế ở nước ta vàng đã hầu như không trở thành phương tiện thanh toán. Người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như công cụ tiết kiệm. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hoá”.
Không thể lạm dụng việc chống “vàng hoá” để bao biện cho việc sử dụng biện pháp hành chính trong quản lý bằng việc cấm.
Như vậy khái niệm “vàng hoá” thường được sử dụng ở đây nhưng lại không đúng bản chất. Nếu gọi việc tích trữ vàng là “vàng hoá” thì những nước nhập vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ đều rơi vào tình trạng “vàng hoá” cao độ.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô luôn bất ổn, lạm phát liên tục tăng, sức mua đồng tiền VNĐ luôn mất giá, chưa ổn định, chưa có khả năng chuyển đổi, nên người dân vẫn còn lo ngại, thì không thể cấm được họ mua vàng. Giữ vàng là truyền thống của dân Việt Nam, là quy luật chung của cả thế giới chứ không chỉ riêng ở nước ta.
Do vậy, không thể lạm dụng việc chống “vàng hoá” để bao biện cho việc sử dụng biện pháp hành chính trong quản lý bằng việc cấm.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp
Trước đây, căn cứ Nghị định 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép sản xuất vàng miếng cho 8 ngân hàng và công ty vàng. Mỗi đơn vị đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhưng nay chỉ sau khoảng 10 năm đã trở nên vô giá trị do Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng từ 25/5/2012.
Chưa kể hàng nghìn lao động trở thành thất nghiệp do hoạt động của các đơn vị nói trên bị đình chỉ, thì một biện pháp hành chính đã gây lãng phí tài sản, nguồn lực của doanh nghiệp - cũng là tài sản của đất nước, nhân dân mà không có ai đứng ra đỡ hậu quả.
Điều 5 Luật Doanh nghiệp chỉ rõ “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật này; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh”.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh vàng miếng là không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhỏ. Vậy tại sao lại phân biệt các doanh nghiệp dựa trên quy mô vốn, căn cứ vốn ít, vốn nhiều để cho phép hoặc không cho phép kinh doanh vàng miếng (theo các điều kiện của Nghị định 24)?
Sự hình thành mạng lưới các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của thị trường, là hệ thống phân phối tự nhiên trên cơ sở cung - cầu xã hội. Không ai bỏ vốn đầu tư kinh doanh khi thị trường không có nhu cầu.
Việc dẹp bỏ 12.000 doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ đồng nghĩa với việc tước mất công ăn việc làm của hàng chục nghìn lao động, biến các doanh nghiệp này trở thành kinh doanh bất hợp pháp, ngoài ý muốn vì họ vẫn phải tiếp tục tồn tại và nuôi sống chính mình.
Trên thương trường, các doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ vốn để đầu cơ, thâu tóm thị trường, mà chỉ có thể là những ngân hàng, doanh nghiệp có nhiều vốn.
Do vậy, việc quy định chỉ cho phép các đơn vị có vốn lớn kinh doanh vàng chính là tạo điều kiện, môi trường cho hoạt động đầu cơ, lũng đoạn phát sinh.
Việc dẹp bỏ 12.000 doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ đồng nghĩa với việc tước mất công ăn việc làm của hàng chục nghìn lao động, biến các doanh nghiệp này trở thành kinh doanh bất hợp pháp, ngoài ý muốn vì họ vẫn phải tiếp tục tồn tại và nuôi sống chính mình.
Lợi - hại tính độc quyền một thương hiệu của một doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở dĩ chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia là do nhãn hiệu này chiếm hơn 90% thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, không loại trừ việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhãn mác vàng riêng của mình.
Về mặt lý thuyết, điều này tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho công tác quản lý. Song trên thực tế, đã xuất hiện vàng SJC giả, vàng nhái kém chất lượng. Nếu trên thị trường có nhiều thương hiệu thì tình trạng này đã không xảy ra. Tuy nhiên, có những mặt bất lợi về việc chỉ công nhận một thương hiệu vàng miếng đã gây ra tình trạng cùng chất lượng 99.99% như nhau nhưng các thương hiệu khác lại rẻ hơn SJC trên 3 triệu đồng, và SJC cũng đắt hơn giá thế giới quy đổi khoảng 3 triệu đồng (100-150 USD/oz).
Sự chênh lệch giá này thực tế ai được hưởng lợi? Thực tế nhiều năm cho thấy khi vàng lên giá, tỷ lệ người mang vàng đi bán chỉ khoảng 20% (đa số là những người cần tiền gấp), còn lại vẫn có 80% người mua vào do lo sợ vàng tiếp tục tăng giá.
Nhóm G5+1 bán vàng SJC lấy tiền VNĐ, mục đích là để hạ giá vàng, song lại sinh ra hệ lụy là thiếu tính thanh khoản, người dân bị thiệt nếu muốn mua vàng cất giữ. Việc không cho G5+1 nhập khẩu vàng làm cho hệ thống ngân hàng bị lỗ, giá vàng trong nước lên cao - mục tiêu đảm bảo chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không quá 400.000 VNĐ/lượng như Thống đốc đã tuyên bố là không thực hiện được.
Quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC gây nên tình trạng là sản xuất, gia công không đảm bảo cả thời gian và số lượng, khiến thị trường vàng trở lại chế độ cấp quota để được gia công vàng miếng và cơ chế “xin-cho” giấy phép-đi ngược lại cải cách hành chính và chủ trương xoá bỏ giấy phép con. Những điều trên đã gây thiệt hại cho cả người dân, tổ chức tín dụng và Nhà nước.
Theo nguyên tắc về phân cấp quản lý trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ có chức năng quản lý Nhà nước, không có chức năng kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý, độc quyền sản xuất vàng miếng. Một khi để bình ổn giá vàng trong nước, sẽ đưa số vàng này ra bán.
Vậy ai sẽ là người bán? Nếu Ngân hàng Nhà nước bán thì vi phạm vào nguyên tắc về chức năng kinh doanh, không được phép. Nếu giao cho các doanh nghiệp bán, nếu lỗ thì ai chịu?
Trên thế giới không có một ngân hàng trung ương nào đứng ra sản xuất vàng miếng để bán cho dân. Ở các nước, các thị trường lớn như Trung Quốc, Thuỵ Sĩ, Hongkong, Ấn Độ... mỗi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đều có thương hiệu riêng của họ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, trọng lượng, nhãn hiệu... theo các tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ - nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh.
Tính khả thi của việc chuyển đổi từ hình thức huy động vàng sang hình thức mua bán như ngoại tệ đến đâu?
Liệu dân có bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước để lấy VNĐ gửi tiết kiệm hay không? Nếu họ muốn bán vàng thì không nhất thiết phải chỉ độc quyền một thương hiệu, không cần bất kỳ chính sách nào bằng biện pháp hành chính một chiều mà họ sẽ tự động thực hiện khi không còn thấy vàng là tài sản đảm bảo duy nhất.
Thực tế này phải giải quyết từ nguồn gốc mấu chốt là niềm tin vào VNĐ chứ không phải là một kế hoạch bằng ý chí của nhà quản lý (Ngân hàng Nhà nước).
Chừng nào vấn đề sự ổn định của đồng VNĐ vẫn chưa được khắc phục, vàng vẫn nằm trong dân chúng, vẫn là tài sản chết không thể đi vào nền kinh tế.
Liệu Ngân hàng Nhà nước có dám mua vàng cao hơn giá SJC trên thị trường hiện nay và cao hơn giá quốc tế để người dân mang đi bán hay không? Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ gì để thực hiện và phòng ngừa rủi ro?
Do vậy, chừng nào vấn đề sự ổn định của đồng VNĐ vẫn chưa được khắc phục, vàng vẫn nằm trong dân chúng, vẫn là tài sản chết không thể đi vào nền kinh tế.
Hiệu quả của Nghị định 24 đối với việc ổn định tỷ giá?
Thời gian qua do kiềm chế được lạm phát, lượng ngoại tệ mua vào dự trữ nhiều hơn. Do sự khó khăn, đình trệ của nền kinh tế dẫn tới sản xuất bị đình đốn, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm mạnh, nên nhu cầu ngoại tệ giảm; ngoài ra lượng kiều hối về nước cũng khá nhiều, những điều đó đã làm cho tỷ giá không biến động, tương đối ổn định.
Trung bình lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn 1990-2011 xấp xỉ 25 tấn/năm, tức chỉ tương đương 1,5-2 tỷ USD/năm - chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhập khẩu so với các mặt hàng khác (ô tô, xe máy, điện thoại di động, hàng tiêu dùng, xăng dầu....). Trong khi đó, vàng là hàng hoá có thể tái tạo ngoại tệ, còn các hàng hoá khác thì không.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 5 tháng sau khi thực hiện Nghị định 24,
các tổ chức tín dụng đã mua lại hơn 60 tấn vàng, tính trung bình mỗi tháng mua hơn 10 tấn vàng. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi cho rằng như vậy có nghĩa vàng đã biến thành tiền tương đương khoảng 3 tỷ USD và được chuyển thành tiền để phục vụ nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động. Điều này đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi tiền đưa vào phát triển kinh tế.
Sự mâu thuẫn trong điều hành thị trường vàng với Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ một trong những mục tiêu năm nay là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”.
Nhưng trong buổi trả lời chất vấn trước quốc hội ngày12/11/2012 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã
thể hiện quan điểm không nhất thiết phải bình ổn giá vàng. Ông Bình nói: “Nếu thấy rằng chênh lệch giá như thế mà phải bình ổn thì rõ ràng không có lý do để bình ổn, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng” và “liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”, như vậy chấp nhận giá Việt Nam không liên thông với quốc tế.
Đây là hệ quả buông xuôi của một loạt chính sách dồn đọng thời gian qua và thể hiện sự bất lực của quản lý nhà nước trước một thị trường rối ren và phức tạp.
Qua thời gian ngắn thực thi Nghị định 24, đã có một số điểm chưa đi vào cuộc sống, do vậy việc điều chỉnh lại một số nội dung là cần thiết. Điều này sẽ thực hiện được mục tiêu ích nước, lợi dân.
Tính bất hợp lý của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng
Sau việc lạm dụng sự độc quyền trong kinh doanh vàng miếng của SJC là một động thái mới của Ngân hàng Nhà nước dự định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào vàng. Thuế suất tiêu thụ đặc biệt dao động từ 10% đến 65%.
Nếu tiến hành đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì người dân sẽ hạn chế giao dịch vàng tại các cửa hàng mà rút vào chợ đen để tránh thuế này. Toàn bộ các công ty, cửa hàng kinh doanh vàng miếng có thể phải đóng cửa hay phá sản. Giới kinh doanh vàng cũng như người dân không khỏi bàng hoàng. Đây chính là sự kiện đánh vào tiền tích cóp của người dân. Nếu đánh thuế người dân sẽ chuyển sang mua các hình thái khác của vàng do thói quen tích trữ không thay đổi; chênh lệch giá càng tăng cao gây rối loạn thêm thị trường vàng trong nước.
Không có nước nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên vàng, ngay cả những quốc gia tiêu thụ vàng lớn. Vàng không phải một loại hàng hóa xa xỉ mà là phương tiện cất giữ, bảo toàn vốn thông dụng tại Việt Nam, phổ biến trong mọi tầng lớp.
Qua thời gian ngắn thực thi Nghị định 24, đã có một số điểm chưa đi vào cuộc sống, do vậy việc điều chỉnh lại một số nội dung là cần thiết. Điều này sẽ thực hiện được mục tiêu ích nước, lợi dân.